Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Phương pháp diện chẩn điều khiển liệu pháp

Diện Chẩn là một phương pháp chữa bệnh mới của Việt Nam ra đời vào năm 1980 do nhà nghiên cứu y học dân tộc, GS. TSKH Bùi Quốc Châu sáng tạo. Tên đầy đủ của phương pháp này là phương pháp Diện Chẩn – Điều khiển Liệu Pháp (Face diagnosis – Cybernetic Therapy – FACY). Dựa vào các dấu hiệu trên khuôn mặt, bằng phương pháp Diện Chẩn có thể chẩn đoán được tình trạng sức khỏe của con người, từ đó có thể có những phát hiện và tác động tích cực đến sức khỏe, phòng và điều trị các chứng bệnh.

Phương pháp diện chẩn điều khiển liệu pháp không hình thành trực tiếp trên cơ sở của Đông Y và Châm Cứu Trung Quốc, mà nó xuất phát từ những kinh nghiệm dân gian Việt Nam, từ nền văn hóa triết học Đông phương, trong đó có ngôn ngữ Việt Nam, văn chương bình dân Việt Nam được thể hiện qua ca dao, tục ngữ, phương ngôn và những câu nói dung tục trong dân gian. Với niềm tin tưởng và quyết tâm, cộng với môi trường tốt cho việc nghiên cứu đã giúp GS.TSKH Bùi Quốc Châu có nhiều cơ hội quan sát các dấu vết bất thường trên mặt các bệnh nhân cũng như có điều kiện châm từng mũi kim trên các huyệt ở mặt để tìm hiểu sự liên quan giữa các điểm trên vùng mặt với từng bộ phận của cơ thể, đồng thời để xác minh cho các giả thuyết của mình sau này. Qua đó tác giả đã phát hiện ra những đầu mối quan hệ giữa những điểm trên mặt và các khu vực với toàn thân. Nhưng đặc biệt với phương pháp này, GS.TSKH Bùi Quốc Châu đã nghiên cứu và khám phá ra những bí ẩn của bộ mặt theo một hướng khác với các tác giả có những công trình tương tự trước đây (như Nhĩ châm, Đầu châm,Thủ châm, Túc châm).

Khác với Châm cứu, cần bắt mạch để biết bệnh và châm vào hệ kinh lạc để chữa bệnh. Diện chẩn điều khiển liệu pháp là phương pháp chẩn đoán và chữa bệnh qua da trên vùng mặt và toàn thân bằng cách tác động lên những điểm rất nhạy cảm (gọi là Sinh Huyệt) và vùng tương ứng với các bộ phận bị bệnh trên toàn thân được gọi là Đồ Hình Phản Chiếu.

Từ những Đồ Hình Phản Chiếu ở trên mặt được khám phá và vẽ ra trong vòng 3 năm (từ năm 1980 đến 1983) với 22 hệ, cho đến những hệ thống Đồ Hình Phản Chiếu trên da đầu được tìm ra năm 1988 và hệ thống phản chiếu các bộ phận ở toàn thân (năm 1989), kể cả hệ phản chiếu trên loa tai với nhiều Đồ Hình khác nhau đều có sự đóng góp chủ yếu của thuyết Đồng Ứng. Trong phương pháp diện chẩn điều khiển liệu pháp FACY còn có nhiều thuyết khác, như thuyết Phản Chiếu, Đối Xứng, Giao Thoa, Bất Thống Điểm, Tam Giác, Nước Chảy Về Chổ Trũng … Tất cả đều góp phần vào việc xây dựng phương pháp. Nhưng có một điều cần được nhấn mạnh ở đây là hầu hết những thuyết nền tảng của phương pháp đều được gợi ý từ những lãnh vực ngoài Y học chính thống mặc dù trong việc kiến trúc toàn bộ phương pháp đều có sự góp mặt của ba dòng Y học: Cổ truyền, Hiện đại và Dân gian. Đây có lẽ là nét đặc thù của phương pháp Diện Chẩn (FACY) so với các phương pháp tương tự khác đã có trên thế giới trước đây.

Diện chẩn điều khiển liệu pháp (FACY) không phải là một sản phẩm đơn thuần Y học mà là kết quả tổng hợp của nhiều ngành khác trong đó chủ yếu là văn hóa và triết học Đông phương (như Phật, Khổng, Lão, Thiền, Dịch học …). Như trong thuyết Đồng Ứng (thuyết thứ hai của phương pháp), Bùi Quốc Châu đã dựa vào câu “đồng thanh tương ứng-đồng khí tương cầu” để tìm ra thuyết này. Thuyết Đồng Ứng cho rằng những gì giống nhau hay có hình dáng tương tự nhau thì có mối quan hệ với nhau. Ví dụ, sống mũi tương ứng với sống lưng nên hai bộ phận này có quan hệ mật thiết với nhau. Từ đó suy ra tác động vào sống mũi thì có thể trị bệnh ở sống lưng…

Phương pháp chữa bệnh bằng diện chẩn điều khiển liệu pháp không dùng thuốc cũng không dùng kim châm mà chỉ dùng tay hay dụng cụ như: cây lăn, cây cào, búa gõ, que dò, ngải cứu, máy xung điện. Đây không chỉ là phương pháp làm giảm đâu hay chữa những chứng bệnh thông thường mà nó còn có khả năng chữa được nhiều chứng bệnh khó thuộc về hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu, hệ tim mạch, hệ sinh dục và hệ tuần hoàn… Kết quả đạt được thường cao hơn thuốc, châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp thông thường.

Có thể nói đây là đứa con tinh thần của Văn hóa Việt Nam với tính tổng hợp, chiết trung và sáng tạo nhuần nhuyễn. Nó cũng là một hình thức của Y tế cộng đồng (La Santé Commune) vì có thể phổ biến rộng rãi cho nhiều người cùng học và làm được một cách dễ dàng mà an toàn, nhất là trong phạm vi chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét